Tháp Phú Diên Một Kiến Trúc Độc Đáo Của Chămpa

THÁP PHÚ DIÊN

MỘT KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO CỦA CHĂMPA
Nguyễn Thanh Thừa

I. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ - VĂN HÓA CHĂMPA
 Tháp Chămpa Phú Diên
Vương quốc Chămpa (tiếng Chăm: Campapura - đô thị Chăm hay Nagara Campa - xứ sở Chămpa) là quốc gia tồn tại liên tục qua các thời kỳ từ năm 192 sau khởi nghĩa của Khu Liên đánh bại nhà Hán thành lập nước Lâm Ấp sau nhiều lần đổi tên như Hoàn Vương, Chiêm Thành, Chănpa  đến năm 1832 vua Minh Mạng đổi Thuận Thành Trấn (khu tự trị của người Chămpa) thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại cai trị trực tiếp. Lịch sử Chămpa chính thức chấm dứt từ đây.
Văn hóa Chămpa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Campuchia và Java đã từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao nghệ thuật với phong cách Đồng Dương và phong cách Mỹ Sơn mà các công trình điêu khắc đá, các hiện vật có hình Linga và Yoni và đặc biệt là nhiều di tích đền tháp vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, trong đó tháp Phú Diên là một trong những tháp Chămpa có niên đại sớm vẫn còn tồn tại.
II. THÁP CHĂMPA PHÚ DIÊN
1. Tên gọi:
Theo Luật di sản Việt Nam thì các bảo vật, di vật, hiện vật, di tích khảo cổ, nếu phát hiện ở địa phương nào thì lấy tên của địa phương đặt tên cho di tích đó. Như vậy, tên tháp phải là tháp Chămpa Phương Diên. Tuy nhiên, do sự khai báo "không rõ ràng" của chính quyền địa phương (xã Phú Diên) nên hiện nay tháp mang tên tháp Chămpa Phú Diên.
2. Qúa trình phát hiện:
Ngày 18 tháng 4 năm 2001, tại khu vực cồn cát thôn Phương Diên xã Phú Diên huyện Phú Vang (cách thành phố Huế khoảng 30 km về hướng Đông - Nam) nhóm công nhân khai thác quặng Titan trong lúc làm việc đã phát hiện 01 khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7m so với mặt đất, cách mép nước biển khoảng 120m về hướng Đông - Bắc.
Qua quá trình khảo sát các nhà chuyên môn nhận định đây là một ngôi tháp cổ thuộc nền văn hóa Chămpa có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật. Ngay sau đó di tích này được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia (ngày 28 tháng 12 năm 2001).
3. Qúa trình tu bổ, tôn tạo tháp:
Tháng 2 năm 2005 Bộ Văn hóa Thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung trùng tu, tôn tạo tháp đến tháng 5 năm 2007 thì hoàn thành.
4. Niên đại:
Theo các nhà nghiên cứu, tháp Phú Diên thuộc phong cách nghệ thuật từ Mỹ Sơn E1 (Quảng Nam) đến phong cách Hòa Lai (Ninh Thuận), khoảng thế kỷ thứ VIII, tháp Chămpa Phú Diên được coi là một trong những kiến trúc có niên đại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chămpa hiện nay. Tài liệu lịch sử cho biết, khi Ấn Độ giáo ảnh hưởng vào cư dân Chămpa, các kiến trúc tôn giáo sớm được xây dụng. Theo bi ký Mỹ Sơn thì vào thế kỷ thứ IV, vua Bhadravarman I đã cho xây dựng một ngôi đền thờ bằng gỗ và chẳng may ngôi đền bị cháy, mãi đến đầu thế kỷ thứ VII, vua Cambhuvarman mới cho xây lại ngôi đền với chất liệu mới là gạch nung. Từ đó, các kiến trúc đền tháp Chămpa đều được xây bằng gạch nhưng đến nay những công trình xây dựng vào giai đoạn đầu tiên đã không còn nữa, Kiến trúc tháp của phong cách cổ Mỹ Sơn E1 nay chỉ còn là phế tích và bệ thờ. Phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai chỉ còn 3 tháp.
5. Kiến trúc:
Nhìn tổng thể tháp được xây dựng trang trí khá hoàn chỉnh, cân đối tạo nên vẻ đẹp hài hòa. Sự liên kết giữa các mảng trang trí của tháp có tính liên tục, hòa nhập, đối xứng tạo ấn tượng có sức thuyết phục tỉ mỉ mà không rườm rà, mạnh mẽ mà không khô cứng từ chân đế, thân, diềm mái, đặc biệt với 4 vòm cửa được thiết kế ở 4 mảng tường ngoài tháp có tính đăng đối, tạo dáng vẻ uy nghi cho tháp. Vật liệu xây dựng duy nhất là gạch nung được liên kết với nhau bằng kỹ thuật mài chập khối.
Hướng Đông với cửa chính vào tháp được thiết kế kiểu vòm cung hình mui thuyền, hai cột cửa đối xứng hai bên, ở chân đế được trang trí lá đề, lá nho sắc sảo, đẹp mắt. Đường dẫn vào lòng tháp đã bị mòn vẹt chứng tỏ tháp đã được sử dụng. Ba hướng Tây, Nam, Bắc với hệ thống của giả vòm cung tù tương đối giống nhau, khoảng giữa của 2 trụ vòm cửa giả là tượng hình người mang tính ước lệ đứng trên một bệ gạch chạm khắc hoa sen hướng lên rất đẹp.
Với kiểu tháp lùn đặc trưng, có thể khẳng định tháp Phú Diên là một kiến trúc độc đáo của dân tộc Chămpa.