Tản Mạn Cùng Quê Hương - Việt Nguyễn

TẢN MẠN CÙNG QUÊ HƯƠNG
( Làng Phương Diên )

Nhà thơ Đỗ Trung Quân có nói: “…Quê hương nếu ai không nhớ , sẽ không lớn nỗi thành người…..”

Thật vậy, xa Quê rất nhớ, nhất là những lúc nghe tin, mưa gió , bảo bùng…v.v…thì lòng mình cảm thấy bồn chồn, lo nghĩ không thể nào diễn tả được. Vì dù sao, từ nhỏ, theo Ba Mẹ vào Sài Gòn, từ những ngày khổ cực, đến nay cũng đã hơn ba mươi năm rồi. Nên bây giờ, khi đi làm, có việc công tác ở Huế, Đà Nẵng là mình lại tranh thủ tạt về Quê một chút thăm chơi, hoặc những ngày nghĩ Lễ, dành một ít tiền mua vé máy bay để cùng đưa Vợ về thăm Quê, thăm Ôn Mệ, cùng Bà Con và Bạn bè. Nhưng mỗi lần đi như vậy, là mỗi ký ức tồn đọng trong tâm tư, những kỷ niệm thơ ấu lại tràn về, hiện rõ như mới ngày hôm qua.

Hồi đó, được Ba Mẹ cho về thăm quê, là một hạnh phúc lớn lắm. Vì phải đợi nghỉ hè mới được, phải học giỏi, có phần thưởng, thì mới được đi. Về thăm Quê, là một món quà thưởng cho suốt một năm học mà Ba Mẹ dành cho mình vậy.

Mỗi chuyến đi, thường kéo dài mấy tháng, gần như là hết Hè. Từ Sài gòn ra Huế mất cũng tuần lễ. Bây giờ có tiền có thể đi phương tiện Máy Bay mất khoảng một giờ, mà không nữa thì đi tàu hoặc xe mất khoảng 24 giờ . Nhưng lúc đó, nói đến Máy Bay có lẽ không bao giờ mơ tưởng sẽ được đi, còn tàu xe ư, đường xá nhỏ hẹp, chen chúc, mỗi ngày đi được chừng 200km, đã vậy chỉ đủ tiền đi tàu chợ đổi chuyến hoặc đi xe mà toàn những xe muốn chạy là chạy muốn dừng là dừng chưa kể hư hỏng dọc đường. Nên việc đi ra Quê là cả một chặng đường kéo dài tuần lễ là vậy.Về được Thành phố Huế, xem như đã gần về tới nhà thôi. Vì về đến được Quê là mất thêm 1 ngày nữa. Hồi ấy, không có đường bộ. Chỉ có ba con đường, nếu đi đò, thì gần như mất một ngày. Vì đò ở Quê lên từ 4g sáng đến khoảng 9 hay 10 giờ tới Huế. Và khoảng độ từ 1 đến 2g chiều thì lại quay về , đến làng cũng 5~6g chiều. Thứ hai, nếu trễ đò, đi xe đò về Thuận An, sau đó đợi Đò về Quê, ghé Thuận An và đi. Và đường thứ ba, là từ Phố Huế về Phú Thứ, và sau đó đi đò ngang. Bây giờ nghĩ lại, mỗi lần về Quê thật là gian nan và vất vả rất nhiều, nhưng vui và thú vị nhiều.

Mỗi lần ở Quê, cũng lắm chuyện vui buồn. Những khi trời nắng, muốn đi ra biển, vì biển lúc ấy dài lắm, phải chạy và xoăn từng ụ cát để nghĩ. Mùa hè là vui nhất, vì hình như ai cũng ra biển ngũ. Có những đêm tụ tập lại, bạn bè đóng góp ít tiền, nấu kẹo đậu phụng, rồi ra biển ăn chơi. Trong đó, chỉ có Anh Quả là nấu kẹo thôi, còn lại Vĩnh, Dũng, Thanh, Cường, Hòa, …thì phụ họa. Sau này lớn lên, có những lần ở Quê vào mùa mưa bảo, tối lại rũ nhau ra biển, đi lượm bia ở ngoài biển dạt vào, sau đó nhậu. Có những đêm góp lại tiền, mua rượu Sâm Quy ở quán chị Kết. Mồi thì có chi dùng đó, thông thường là đi xin khô mực, vì ở Quê, 7g tối là bà con tắt đèn đi ngũ rồi, đâu có hàng quán chi đâu. Uống xong quay lăn ra ngũ, đắp cát lên cho ấm hoặc núp dưới những chiếc ghe đang sửa chữa. Lớn lên một chút nữa là bắt đầu các Anh chị cặp kê, tối khoảng 6~7g là ngoài đường ngang vui như trẫy hội, trong nhóm lúc bấy giờ ngoài con trai là Chạy, Vĩnh, Tân, Cường, Thanh, Hòa, ….còn có một số cô gái rất dễ thương như Nhung ( sau này vợ Hòa) Hợi, Hạnh, Lịch , Tiềm..v.v.Có ba điều đặc biệt mà mình rất nhớ, đó là Đám cưới của các Bạn trong làng. Nhiều Đám cưới do coi ngày giờ nhưng rất độc đáo, rước dâu 4g sáng, như đám cưới Chạy chẳng hạn. Ở Sài Gòn thì không có rước dâu và cách thức Lễ như ngoài Làng, nên mình nhớ như in. Các bạn mua quà, rồi rũ nhau tập hát, lúc này thường hay thuê âm thanh nhạc sống ở trên Kê Sông, rồi đàn hát ca đầy đủ…còn việc thứ hai, đó là Đám ma, Anh chị em bạn bè rũ nhạu đi tụng kinh, vì có một số sinh hoạt trong GĐPT. Có những đám, do không có điện, thắp đèn Măng Sông. Tuổi còn nhỏ, từ 16 đến chừng 20 tuổi nhưng nguyên đêm đọc luôn Bộ Kinh Địa Tạng. Sau này về quê, thấy cũng có đám, nhưng đa số các Chú Bác trong khuôn hội hộ niệm, còn lớp trẻ hiện nay hầu như không thấy đi hộ niệm, không biết có còn không hay mình không thấy biết. Thiết nghĩ đây cũng là một truyền thống hay nên gìn giữ, vì tuổi trẻ biết đọc kinh, tự mình tu tập sữa tánh, mà còn được phước nữa.Và còn một điều tối ư là đặc biệt, đó là việc đi VS ( còn gọi là đi Độn), phải nói rằng đêm nào mà lỡ ăn cái gì trúng và đau bụng, thì ui chao, đường ra độn thật là xa, và cũng thật ấn tượng. Khi đi phải rũ nhau, phải năn nỉ, chứ làm sao một mình dám đi, đã vậy còn đi thì như chạy…thật là rõ khổ. Vợ tôi, hồi năm 95, lúc này chỉ là người yêu thôi, nhưng do Ôn Mệ Ngoại xin phép để về quê thăm chơi. Lần đầu tiên, khi mắc phải vấn đề này, rũ mấy đứa cháu dắt đi, và mấy ngày sau đó không dám ăn và dám uống gì cả, và mỗi lần Tôi rũ về quê, bà xã cũng còn ớn lạnh. Giờ đây, Quê mình đã phát triển nhiều rồi, từ Phố về Quê, hoặc từ sân bay về đều có đường đi cả. Trong làng giờ cũng đường bê tông nhựa thay cho đường cát, và có nhiều xe máy đi lại dễ dàng. Điện và thiết bị máy móc tương đối cũng đủ, và đặc biệt những ngôi nhà mới xây dựng, cũng đã chú trọng về vấn đề VS. Tôi cũng nghĩ rằng việc VS và môi trường chúng ta cũng nên chú trọng khi xây cất nhà cửa và những dự án công cộng trong thôn làng, sau này con cháu ở xa, cũng có người lấy vợ lấy chồng ở nơi khác như Hà Nội , Sài Gòn, Úc, Mỹ, Canada…..khi đưa về Quê đừng để ấn tượng không tốt và những dấu ấn không hay của riêng Quê hương mình….

Hôm nay, thấy được trang http://www.netvibes.com/langphuongdien...phải nói rằng rất vui, và cảm nhận những kỷ niệm vui buồn trong lòng sống lại, như mạch sống mà đã bao lần ấp ủ chỉ riêng mình. Xin Cám ơn, cám ơn những quí thân hữu Làng ta, đã làm nên một ô đất quê hương trên vùng trời thông tin này vậy. Mai này, có lẽ sẽ có nhiều tâm tình hơn, thông tin hơn, và những thảo luận các đề tài xây dựng quê hương hơn mà nhất đó là tình cảm anh chị em bà con cảm thấy gần nhau và thông thuộc, dù ở bất cứ phương trời nào.
 
Xin cảm ơn , cảm ơn và cầu chúc những người con quê hương Phương Diên, ở Quê cũng như bất cứ phương trời nào cũng được an lành hạnh phúc .

Nguyễn Văn Việt ( 08.05.2010) 


Tái bút: Nếu Anh Hòa ( Nhung) có đọc bài viết của Việt, xin vui lòng nếu có những hình ảnh xưa của tụi mình, can lại và chen thêm để nhớ lại những ngày thơ ấu vậy .